Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Chuyên gia cảnh báo: trời lạnh, bệnh hô hấp vào mùa

Bệnh hô hấp gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh

Theo GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc trung tâm hô hấp – BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cho biết, cứ sau mỗi đợt lạnh, nhất là những đợt lạnh sâu, kéo dài, số bệnh nhân đến khám tại Trung tâm hô hấp tăng lên một cách đột biến. Tuy nhiên không phải ngay lúc trời chuyển lạnh, số bệnh nhân gia tăng mà vào mùa đông, cứ 3-4 ngày sau đợt thay đổi thời tiết, số bệnh nhân đến khám và nhập viện không ngừng gia tăng. Lý giải hiện tượng này, GS Châu cho biết, đó là do khi thay đổi nhiệt độ, trời chuyển lạnh, cơ thể con người cũng cần có một thời gian bị tác động. Với những người sức đề kháng yếu, nhất là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp mạn tính bị ảnh hưởng nặng nhất.

GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc trung tâm hô hấp – BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam

Bất cứ ai cũng phải thở, khi hít thở, không khí được sưởi ấm và lọc sạch một phần bởi niêm mạc đường hô hấp trên như: niêm mạc mũi họng, trước khi đi vào đường hô hấp dưới (khí, phế quản, phế nang). Hầu hết các bệnh hô hấp có căn nguyên từ virus, vi khuẩn…. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang... từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm khí, phế quản và phổi, màng phổi, GS Châu cho biết. Ở những bệnh nhân đã có bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng thêm, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như khó thở tăng lên, ho nhiều hơn khiến bệnh nhân phải đi khám, nhập viện, thậm chí là phải được cấp cứu.

GS Châu cũng chia sẻ, trong các bệnh hô hấp trẻ hay mắc phải, viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Thận trọng khi sử dụng thuốc trị viêm đường hô hấp

Hiện nay, nhiều người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp . Nguy hại hơn, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để uống, điều này hết sức nguy hiểm. GS Châu cho rằng, việc dùng kháng sinh tùy tiện có thể để lại nhiều hậu quả. Đó là làm vi khuẩn kháng lại kháng sinh, điều này dẫn đế hệ lụy là khi chúng ta mắc bệnh nặng, không thể có thuốc nào chữa được. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi còn gây ra tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng, khiến những người không may mắc bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Ảnh: minh họa

Đó là những hậu quả lâu dài ảnh hưởng tới không chỉ bệnh nhân mà cả cộng đồng. GS Châu còn cho biết, hậu quả trước mắt có thể nhìn thấy được khi một người dùng quá nhiều thuốc là làm cơ thể dễ bị dị ứng, nặng có thể gây sốc phản vệ, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Nên việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng, theo sự chỉ định của bác sĩ, không phải trường hợp nào cũng dùng kháng sinh, nhất là với trẻ em, GS Châu khuyên. Như với các bệnh trẻ hay mắc phải như sổ mũi (nước mũi xanh xanh, vàng vàng, đục đục) thì việc rửa mũi rất quan trọng vì sẽ giúp thông thoáng đường hô hấp, giúp trẻ có thể tự khỏi và không cần dùng kháng sinh và đặc biệt là không bị lan ra gây viêm tai, hay xuống phế quản.

Ngay cả những thuốc ho thông thường, người dân cũng cần có kiến thức sử dụng đúng. Trên thị trường có một số chế phẩm giúp loãng đờm, mặc dù đây là thuốc thông thường nhưng cũng cần dùng đúng liều lượng. Khi bị ho, trong đa số các trường hợp không có chỉ định dùng thuốc để ức chế phản xạ ho vì nếu ức chế phản xạ ho thì các chất tiết như đờm, vi khuẩn, virus ứ đọng trong phổi, nên dùng các thuốc để đờm loãng ra thì người bệnh ho khạc dễ hơn, GS Châu tư vấn.

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc TT Hô hấp – BV Bạch Mai cho biết, với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính, khi trời lạnh dễ gặp các đợt cấp của bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng dẫn điều trị cụ thể chứ không tự ý sử dụng đơn cũ đã được bác sĩ kê và không tự ý mua kháng sinh về điều trị dẫn đến kháng thuốc trong cộng đồng, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.

PGS TS Vũ Văn Giáp khuyên, khi thấy các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau họng… kéo dài hơn so với bình thường, như ho kéo dài từ 3-5 ngày và kèm theo các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở... thì cần đi khám để được phát hiện và chẩn đoán kịp thời, nhất là những đối tượng là người già và trẻ nhỏ không được chủ quan khi mắc bệnh, cần theo dõi chặt.Để phòng các bệnh viêm đường hô hấp, PGS Giáp cho biết, những người có yếu tố nguy cơ cao như người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính cần được tiêm vaccine phòng bệnh, người nghiện thuốc lá cần bỏ thói quen hút thuốc; cần giữ môi trường trong nhà và nơi sinh sống, làm việc thoáng khí, sạch sẽ, tránh ẩm mốc, bụi bặm, để tránh các loại virus, vi khuẩn … gây bệnh. Khi có cảnh báo ô nhiễm môi trường, mọi người dân cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang, tránh ra đường, nơi ô nhiễm… Mọi người cần có ý thức giữ môi trường để có sức khỏe tốt…

Hải Yến

0 nhận xét:

Đăng nhận xét